screenshot_20220824_231432_1

Phát triển Logistics xanh hướng tới chuỗi cung ứng bền vững cho sản phẩm nông sản

17-11-2023

Ngày 17/11, tại diễn đàn “Phát triển Logistics xanh hướng tới chuỗi cung ứng bền vững cho sản phẩm nông sản và dược phẩm xuất nhập khẩu - Kết nối hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa Australia và Việt Nam”, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển lĩnh vực logistics.

Diễn đàn do Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam phối hợp tổ chức, với sự tài trợ từ Đại sứ quán Australia thông qua chương trình Australia cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills).

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương tại Diễn đàn

Phát tại diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, việc tổ chức diễn đàn giúp thúc đẩy mối quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa Việt Nam và Australia bằng cách tạo cơ hội cho việc trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ những thành công trong lĩnh vực logistics. Diễn đàn này cũng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động logistics và tối ưu hóa chuỗi giá trị hàng hóa trong lĩnh vực xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia, đồng thời tăng cường tính kết nối giữa các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp của Việt Nam và Australia.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho rằng, Dược phẩm và nông sản là các mặt hàng có tầm quan trọng cao trong xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Australia. Hệ thống logistics cần được phát triển không chỉ để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả trong vận chuyển các loại sản phẩm này mà chúng ta cần hướng tới logistics xanh và bền vững.

]

Trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA)-đại diện đơn vị tổ chức diễn đàn đặc biệt nhấn mạnh năm 2023 là một năm quan trọng đánh dấu bước ngoặt của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), kỷ niệm 30 năm thành lập từ ngày 18/11/1993 đến 18/11/2023. Trải qua 3 thập kỷ, VLA đã không ngừng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong sự phát triển của ngành logistics Việt Nam, góp phần lớn cho nền kinh tế quốc gia.

Ông Hiệp cũng nhấn mạnh vai trò tiên phong của Australia trong việc đầu tư vào Việt Nam từ những năm 80, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư và tài trợ giáo dục nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực Việt Nam. Lĩnh vực Logistics đặc biệt được hưởng lợi từ mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Australia thông qua Chương trình Aus4Skills, một dự án được Chính phủ Australia tài trợ thông qua Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc.

Ông cũng chia sẻ về cam kết chiến lược của VLA trong việc thúc đẩy các hoạt động thiết thực của Dự án phát triển ngành dịch vụ Logistics Việt Nam thông qua hợp tác với Aus4Skills, bắt đầu từ năm 2017.

Bà Cherie Anne Russell, Tham tán, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam phát biểu tại diễn đàn

Chia sẻ tại diễn đàn, bà Cherie Anne Russell – Tham tán, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho rằng, Australia đã thành công với dự án giáo dục và đào tạo nghề ngắn hạn (VET) trong lĩnh vực logistics, mở rộng quan hệ với doanh nghiệp logistics và các đối tác VET. Cả hai quốc gia đều hướng đến thúc đẩy thương mại và đầu tư, với thương mại hai chiều đạt mức tăng trưởng kỷ lục. Logistics xanh được coi là xu hướng tương lai, phản ánh trách nhiệm tích cực của doanh nghiệp và nâng cao độ cạnh tranh. Nông nghiệp và công nghiệp dược phẩm của Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ do tăng thu nhập bình quân và sự phát triển kinh tế.

Các chuyên gia chia sẻ tại diễn đàn

Tại diễn đàn, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp phát triển logistics xanh hướng tới chuỗi cung ứng bền vững cho sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu như để cải thiện hiệu suất xuất khẩu, doanh nghiệp cần tăng cường kiểm soát chất lượng, đào tạo nhân viên, đảm bảo chất lượng sản phẩm, và thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp; Các xu hướng công nghệ thông tin được đề xuất bao gồm logistics thông minh, theo dõi và truy vết và logistics xanh; Trong cơ sở hạ tầng logistics, cần cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường vận chuyển thân thiện với môi trường, kết nối giữa các tổ chức để thúc đẩy phát triển Logistics xanh cho sản phẩm nông nghiệp tại Việt Nam.

Khẳng định tiềm năng trong phát triển logistics cho nông sản sang thị trường Úc, PGS. TS Hồ Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam chia sẻ, trong 5 năm gần đây (giai đoạn 2018-2022), kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Úc đạt mức tăng trưởng trung bình trên 10%/năm. Một số loại trái cây như xoài, thanh long và nhãn đã chiếm lĩnh thị trường Australia. Năm 2022, lượng lớn sản phẩm nông nghiệp bao gồm gạo, tiêu, cà phê. Cụ thể, mặt hàng trái cây tăng trưởng rất mạnh (tăng trưởng 200% so với năm 2018), mặt hàng cà phê (tăng trưởng hơn 150% so với năm 2018)… Đây là cơ hội cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics phù hợp, đặc biệt cho mặt hàng nông sản.

Chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc thiết kế và vận hành logistics xanh trong xuất khẩu dược phẩm Úc, ông Craig Luxton – Giám đốc Tư vấn chính Công ty Luxton & Co cho biết, Australia đã áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến trong hệ thống logistics xanh cho việc xuất khẩu dược phẩm.

Tuy nhiên, theo ông Craig Luxton, logistics xanh đối mặt với nhiều thách thức trong việc giảm thiểu tác động môi trường. Đầu tiên, có sự phụ thuộc nặng nề vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là trong lĩnh vực vận chuyển và đóng gói. Việc giao hàng chặng cuối, mặc dù quan trọng, lại góp phần vào ô nhiễm và tắc nghẽn đô thị. Chi phí đầu tư ban đầu cao vào các công nghệ mới cũng là một rào cản đáng kể. Việc theo dõi lượng khí thải carbon từ các nguồn gián tiếp rất khó khăn. Chuỗi cung ứng toàn cầu hiện đại phần lớn được phân cấp, điều này khiến việc xanh hóa chuỗi cung ứng trở nên khó khăn hơn do chính sách khác nhau giữa các quốc gia và khu vực pháp lý.

Ths. Phan Huy Đức – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh nhận định, Việt Nam – một trong 6 nước chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, đang thực hiện chiến lược phát triển bền vững và cam kết tại COP26. Áp lực xanh hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt là với nền kinh tế xuất khẩu, cùng với nhận thức về tác động ô nhiễm lớn từ hoạt động logistics, đã thúc đẩy nhu cầu phát triển nhanh và bền vững.

Ths. Phan Huy Đức nhấn mạnh, quan điểm phát triển của Việt Nam tập trung vào sự kết hợp giữa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, trong đó chuyển đổi số được xem là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững.

 

Trong tham luận “Vai trò của Hiệp định Thương mại Tự do và Chuyển đổi Xanh trong thúc đẩy tăng trưởng Xuất – Nhập khẩu giữa Việt Nam – Australia”. Bà Phùng Thị Lan Phương – Chuyên gia Thương mại quốc tế, Nguyên Trưởng phòng FTA, Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã trình bày nhiều thông tin quan trọng về ý thức và hành vi của người tiêu dùng, cũng như các chính sách và cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và chuyển đổi xanh. Cụ thể 90% người tiêu dùng Việt Nam ủng  hộ các doanh nghiệp đạo đức và có trách nhiệm xã hội, đồng thời 43% họ đánh giá cao nhãn hàng và doanh nghiệp thân thiện với môi trường.Đại biểu khách mời chụp hình lưu niệm tại chương trình.

An Bình

Bất Động Sản

screenshot_20220824_231432_1