screenshot_20220824_231432_1

Nâng cao hợp tác doanh nghiệp và cơ sở giáo dục

09-08-2024

Ngày 9/8, Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM và Khách sạn Majestic Sài Gòn tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia năm 2024 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”.div class="entry-header">

Hội thảo có sự tham dự của TS. Lê Thanh Minh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM; ThS. Hồ Thị Thuỷ, Trưởng phòng Phòng tuyên truyền Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM; NGƯT. ThS Lâm Văn Quản, Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP.HCM; đại diện các trường đại học, cao đẳng và các nhà khoa học, cán bộ quản lý, chuyên gia và đội ngũ nhà giáo từ 10 tỉnh thành trên cả nước.

Chương trình nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tăng cường sự gắn kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp; nâng cao năng lực và vị thế của nhà trường và doanh nghiệp,…

Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều đơn vị, cá nhân và nhận được 62 báo cáo khoa học của các nhà khoa học, cán bộ quản lý, chuyên gia và đội ngũ nhà giáo từ 10 tỉnh thành trên cả nước.

ThS. Trần Văn Tú, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM cho biết,  Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được ban hành năm 2014 và đến năm 2017,  các cơ sở trong hệ thống GDNN tổ chức hoạt động và đào tạo theo các quy định của Bộ LĐTB&XH  là thay đổi chương trình đào tạo và tăng thời lượng thực hành từ 50-70% tổng thời lượng, tăng cường thực hành, thực tập thực tế tại doanh nghiệp để đáp ứng được đúng yêu cầu thực tiễn trong sản xuất kinh doanh và nhu cầu về nhân lực có tay nghề cao của xã hội. Do vậy, chương trình đào tạo ở các nhà trường đã được thay đổi theo mục tiêu đề ra và đã có những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, trong quá trình thực tiễn, việc phối hợp, gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, hạn chế, vướng mắc ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu đào tạo đặt ra. Do đó, việc nâng cao hiệu quả gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là việc cần thiết và cấp bách của công tác đào tạo nhân lực để đáp ứng cho nhu cầu phát triển của kinh tế, xã hội của TP.HCM nói riêng và của đất nước nói chung.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày các tham luận về thực trạng, kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả gắn kết đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường.

TS. Nguyễn Đặng An Long, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM  trình bày, để xây dựng cơ chế phối hợp, việc đầu tiên là tính chủ động của các cơ sở GDNN trong việc mời doanh nghiệp tham gia vào tất cả các khâu của quá trình đào tạo. Ở đây, các doanh nghiệp sẽ là những người thẩm định các nội dung, phương pháp được thiết kế trong chương trình đào tạo. Việc này sẽ tạo ra tính thích ứng của chương trình đào tạo với những yêu cầu nghề nghiệp của các DN trước những thay đổi liên tục của khoa học – công nghệ.

PGS.TS Lê Chi Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn cho rằng, để thành công, cần sự hợp tác và những nỗ lực từ tất cả các bên liên quan. Sự kết nối mạnh mẽ và hiệu quả giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo rằng sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng ngay lập tức nhu cầu của thị trường lao động.

Theo TS. Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thủ Thiêm (TP.HCM) cho biết, doanh nghiệp cần xem nhà trường là khách hàng về nguồn cung lao động, từ đó đồng hành cùng nhà trường trong quá trình đào tạo để đáp ứng thực tiễn nhu cầu nguồn nhân lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Về phía nhà trường cần tiếp tục đa dạng hóa các loại hình và phương thức đào tạo: đào tạo tập trung tại trường, đào tạo tại cơ sở sản xuất kinh doanh, đào tạo theo nhu cầu của xã hội và theo địa chỉ sử dụng nhằm gắn kết có hiệu quả trong việc khai thác, sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật, tránh lãng phí cho xã hội.

TS Nguyễn Thanh Phương – Trưởng phòng Quan hệ Doanh nghiệp và Việc làm sinh viên, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành – cho rằng trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà trường, nhà trường là bên “cần” hơn. Do vậy, nhà trường sẽ cần linh hoạt hơn, tạo nhiều điều kiện hơn và cho doanh nghiệp được ít nhiều lợi ích khi tham gia hợp tác với nhà trường.

Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, giai đoạn 2026–2030, nhu cầu nhân lực bình quân hằng năm cần 320.000 – 350.000 chỗ việc làm. Trong đó, khu vực thương mại – dịch vụ cần nhiều nhất là 230.592 – 252.210 chỗ làm việc(chiếm hơn 72%), tiếp đến là khu vực công nghiệp – xây dựng cần 88.448 – 96.740 chỗ làm việc(chiếm hơn 27%) và nông lâm nghiệp và thủy sản cần 960 – 1.050 chỗ làm việc, (chiếm 0,3%). Trong tổng nhu cầu nhân lực, nhóm ngành dịch vụ chủ yếu chiếm tỷ trọng 62%, nhóm ngành công nghiệp trọng điểm chiếm tỷ trọng 21%. Nhu cầu nhân lực qua đào tạo cần 278.400 – 304.500 chỗ làm việc (chiếm 87%); trong đó, trình độ trung cấp chiếm 28%, sơ cấp chiếm 21%, cao đẳng chiếm 16%, đại học trở lên chiếm 22%, lao động phổ thông chiếm 13%.

Cũng theo số liệu từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, hiện nay có khoảng 70% sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng và trung cấp trên địa bàn TP.HCM đang làm việc tại các doanh nghiệp trong thành phố. Tuy nhiên, chỉ 30% trong số đó được đánh giá là có kỹ năng và kiến thức đáp ứng yêu cầu thực tế của công việc. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với cả doanh nghiệp lẫn các cơ sở đào tạo.

An Bình

In bài viết
Bất Động Sản

screenshot_20220824_231432_1