Theo TS. Quách Thu Nguyệt, Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh của NXB Trẻ ra đời năm 1999 nhằm hưởng ứng cuộc vận động "30 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ” và được triển khai bằng việc tìm kiếm những tác phẩm do Bác Hồ viết, bên cạnh đó là đặt hàng các tác giả viết về những tình cảm, ký ức, kỉ niệm về Bác.
Ngày 7.11.2006, nhân Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 06-CT/TW về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, NXB Trẻ đổi tên Tủ sách thành Di sản Hồ Chí Minh cho đến nay.
Từ con số khoảng 20 tên sách ban đầu, tính đến năm 2024 Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh đã xuất bản hơn 60 tựa, với gần 600.000 bản in.
Các tựa sách phân chia theo các chủ đề, phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng: Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ, Cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ, Chủ đề dành cho thanh niên, thiếu niên - nhi đồng, Bác Hồ với nền tảng chế độ, Chủ đề xây dựng Đảng, Học và làm theo Bác, Chủ đề quốc tế.
Tủ sách chia làm hai phần lớn, đó là: các sáng tác của Hồ Chí Minh và các sáng tác của tác giả khác về Hồ Chí Minh. Theo đó, từ nội dung ban đầu lấy từ các tác phẩm Hồ Chí Minh để lại và tổng hợp, biên soạn thành các tựa sách như: Lịch sử nước ta; Đời sống mới; Sửa đổi lối làm việc; Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân; Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh... đội ngũ phụ trách nội dung đã chọn ra những đề tài chi tiết, đặt hàng các tác giả khác khai thác khía cạnh cụ thể, chuyên sâu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Người.
Đặc biệt, từ năm 2023, NXB Trẻ đã số hóa và xuất bản trọn bộ sách điện tử Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh và cũng làm cuốn “Sổ tay không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, dạng giấy và dạng file PDF để tặng bạn đọc tải dùng miễn phí. Trong Sổ tay Không gian văn hóa Hồ Chí Minh có giới thiệu các tựa sách, file trang trí không gian, file hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Bác, các ebook đọc thử…
Cũng tại buổi giao lưu, trò chuyện các tác giả tiêu biểu của Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ về cuốn sách của mình, cũng như quá trình tìm hiểu, viết sách và mang sách đến với bạn đọc
Theo nhà báo Dương Thành Truyền, tác giả cuốn sách Di chúc của Bác Hồ Một giáo trình tiếng Việt độc đáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta câu chuyện rất lớn về chính sách ngôn ngữ, tấm gương lao động ngôn từ …. Ví dụ điển hình là di chúc - văn bản chỉ 1000 chữ nhưng chỉnh sửa nhiều lần trong 4 năm để đạt đến độ toàn bích của một văn bản chính luận; khối tác phẩm dồi dào gồm nhiều truyện, ký, thơ, bài báo.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Đức Dân chính việc cẩn trọng sửa đi sửa lại, công phu trong từng chữ, từng lời, từng đoạn kết nối nhau theo một trật tự logic chặt chẽ nhằm đến cách diễn đạt trong sáng, giản dị nhất có thể mà lại hiệu quả tối đa... di chúc đã trở thành một văn bản toàn bích, một giáo trình tiếng Việt độc đáo.
Còn theo thạc sĩ Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, tác giả cuốn sách Học Bác lòng ta trong sáng hơn, để viết sách về Bác rất khó vì đã có nhiều người, nhiều cuốn sách đã viết trước đó. Do đó mà ông cũng cần phải chọn lọc, tìm hiểu những vấn đề có thể thông tin được đến bạn đọc, đặc biệt phải tìm ra được những góc riêng, những câu chuyện vừa phải, dễ đọc, dễ thấm hướng đến đối tượng trẻ bây giờ.
Theo đó, Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh của Nhà xuất bản Trẻ, từ năm 1999 tới 2023 đã xuất bản được hơn 60 tựa, hai lần nhận được bằng khen của Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM vào các năm 2009 và 2015 về thành tích trong cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Giải thưởng Hồ Hảo Hớn của Thành Đoàn TP.HCM năm 2024 về Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh cho thanh thiếu nhi.
Cũng nhân dịp sinh nhật Bác Hồ và kỷ niệm 25 năm thành lập Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh, NXB Trẻ đã tổ chức triển lãm hình ảnh Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh tại Đường sách TP.HCM từ ngày 12.5 đến ngày 19.5.
Thành Trung