screenshot_20220824_231432_1

Chính thức khai mạc: Lễ hội Sâm và Hương liệu, dược liệu quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh 2024

25-05-2024

Tối 24/5, Lễ hội Sâm và Hương liệu, dược liệu quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất đã khai mạc tại trục đường Lê Lợi (quận 1). Đây là sự kiện do Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng các đơn vị tổ chức từ ngày 24-26/5.

Ở lần tổ chức đầu tiên, Lễ hội quy tụ sự tham gia của 15 quốc gia và 20 tỉnh, thành của Việt Nam, 160 doanh nghiệp trưng bày sản phẩm, mô hình trải nghiệm sâm và hương liệu, dược liệu, 40 gian hàng trải nghiệm ẩm thực. Ngoài ra, Lễ hội còn có các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và hội thảo chuyên đề.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Lễ hội Sâm và Hương liệu, dược liệu quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 là dịp để các địa phương và doanh nghiệp giao lưu, quảng bá những sản phẩm sâm và hương liệu, dược liệu chất lượng, góp phần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, quảng bá thương hiệu sâm và hương liệu, dược liệu đến với người dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Lễ hội sâm lần đầu tiên tổ chức tại TP Hồ Chí Minh -0

Bên cạnh đó, Lễ hội còn là tiền đề thúc đẩy sự phát triển của ngành sâm, hương liệu, dược liệu, tạo cơ hội cho Thành phố cùng các địa phương, doanh nghiệp trong nước và quốc tế giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm đối tác, qua đó nâng cao giá trị, hình ảnh sâm của Việt Nam; đưa các sản phẩm sâm, hương liệu, dược liệu Việt Nam nói chung, “Quốc bảo Việt Nam” - Sâm Ngọc Linh nói riêng vươn tầm thế giới.

Chú thích ảnh

Bên cạnh mục tiêu kinh tế, các hoạt động của Lễ hội cũng mang lại những trải nghiệm văn hóa sinh động cho người dân, tạo điều kiện để người dân Thành phố tìm hiểu về các sản phẩm sâm, hương liệu, dược liệu quý hiếm, đặc hữu trong nước và quốc tế.

Ông Võ Văn Hoan mong rằng, Lễ hội Sâm và Hương liệu, dược liệu Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 lần đầu tiên sẽ góp phần triển khai Quyết định số 611 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; đồng thời thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 về “việc ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.”

Tham gia lễ hội lần này, anh Nguyễn Anh Tuấn, đại diện Công ty Sâm Ngọc Linh quốc bảo Việt Nam Samoza (Kon Tum) cho biết, với nguồn nguyên liệu hiện tại, đơn vị đang chào ra thị trường các sản phẩm như nước chiết hồng đẳng sâm Ngọc Linh, nước cốt lẩu, nước mát... Trong đó, nước chiết hồng đẳng sâm Ngọc Linh cũng là sản phẩm tiêu biểu đang được đơn vị hoàn tất các giấy tờ để xuất khẩu.

Tại thị trường trong nước, đơn vị cũng kinh doanh nhiều mặt hàng như bột đẳng sâm Ngọc Linh định chuẩn dùng trong thực phẩm như chế biến các món ăn trong bánh, kẹo và các sản phẩm sâm tươi cho các cơ sở làm nước mát. Hiện, công ty chủ yếu phân phối các sản phẩm trong 27 tỉnh, thành phía Nam.

Trước đó Hội thảo, các chuyên gia đưa ra trăn trở việc phát triển cây sâm và sản phẩm từ sâm còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam vì thiếu nguồn giống đảm bảo chất lượng hợp pháp; chưa tạo ra sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành, các nguồn lực; thiếu cơ sở sơ chế, chế biến sâu và công tác quảng bá cũng như xúc tiến thị trường tiêu thụ…Và thông qua hội thảo cũng như lễ hội lần này sẽ góp phần hiện thực hóa chủ trương nhằm phát triển bền vững, hợp tác quốc tế ngành công nghiệp sâm và hương liệu, dược liệu tại Việt Nam.

Được biết, Việt Nam có hơn 7.500ha trồng sâm, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai… Trong đó, 8 vùng dược liệu trọng điểm của Việt Nam theo quy hoạch của Chính phủ bao gồm: Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.

Theo Chương trình Phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã được Chính phủ phê duyệt tháng 6/2023, đến năm 2030, Việt Nam sẽ phấn đấu nâng diện tích trồng sâm đạt khoảng 21.000ha, 100% diện tích trồng được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý.

Hiện sản lượng khai thác Sâm Việt Nam từ năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 1.000 ha/năm), đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP – WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái) hoặc tương đương.Ước tính tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu năm 2021 khoảng 230 tỷ USD và dự kiến có thể đạt 430 tỉ USD vào năm 2028.

An Bình

Bất Động Sản

screenshot_20220824_231432_1