Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh các đô thị Việt Nam bước vào năm thứ hai triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Hướng đi tất yếu của các đô thị
Theo Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi, Diễn đàn là cơ hội để các nhà khoa học, chuyên gia đưa ra những chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển của các đô thị theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường.
Vấn đề đô thị hoá đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng trên toàn cầu, mang lại nhiều lợi ích kinh tế, nhưng cũng tạo ra không ít thách thức về môi trường, xã hội và văn hoá. Trước thực trạng đó, giải pháp đô thị xanh trở thành một hướng đi không thể thiếu để đảm bảo sự phát triển hài hoà giữa con người với thiên nhiên.
Đô thị xanh không chỉ là không gian có nhiều cây xanh, mà còn là sự tích hợp của các giải pháp sáng tạo năng lượng, quản lý nguồn nước, giao thông và công nghệ thông tin.
Hà Nội, Thủ đô ngàn năm văn hiến của Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều bất ổn và thách thức bởi quá trình đô thị hoá nhanh chóng. Dân số liên tục gia tăng khiến áp lực về phát triển kinh tế, ô nhiễm môi trường ngày càng lớn, trở thành mối quan tâm hàng đầu tại Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại Diễn đàn.
Tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng. Để làm được như vậy, thành phố cần thực hiện tốt, đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí, xử lý cơ bản vấn đề ô nhiễm môi trường nước, hoàn thành cải tạo sông Tô Lịch, hoàn thiện hạ tầng xử lý rác thải, nước thải…
Hà Nội đang hướng tới việc phát triển đô thị xanh một cách toàn diện và bền vững. Đô thị xanh không chỉ dừng lại ở việc tăng cường diện tích cây xanh, mà còn bao gồm nhiều khía cạnh khác như kiến trúc bền vững, giao thông thân thiện với môi trường, và quản lý năng lượng hiệu quả.
Chuyên gia của Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Trần Ngọc Linh nhấn mạnh, phải nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị xanh và bền vững.
Trước hết, Hà Nội đang nỗ lực mở rộng và bảo vệ các công viên, vườn hoa và không gian công cộng. Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng không khí mà còn tạo ra những không gian sống lý tưởng cho cư dân thành phố.
Trong lĩnh vực giao thông, Hà Nội đang đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống giao thông công cộng, bao gồm việc mở rộng mạng lưới xe buýt nhanh và phát triển các tuyến đường sắt đô thị. Việc khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng không chỉ giúp giảm ùn tắc giao thông mà còn góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí.
Ngoài ra, quản lý năng lượng hiệu quả là một trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị xanh của Hà Nội. Các chương trình tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo đang được triển khai rộng khắp, từ việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên các tòa nhà công sở cho đến việc nâng cấp hệ thống chiếu sáng công cộng sang đèn LED tiết kiệm điện.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đô thị xanh bền vững, Hà Nội rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ban, ngành, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng cư dân. Giáo dục và truyền thông về lợi ích của đô thị xanh cần được đẩy mạnh nhằm tạo ra sự thay đổi từ nhận thức đến hành động trong cộng đồng.
Hướng tới Net Zero vào năm 2050
Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) Khuất Việt Hùng đặc biệt nhấn mạnh sự vai trò của phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh, nhằm hướng tới mục tiêu đưa phát thải ròng khí nhà kính ở Thủ đô về 0 vào năm 2050.
Ở góc độ môi trường, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Trung Thắng nhấn mạnh Hà Nội cần đặc biệt chú trọng quản lý chất thải rắn theo hướng kinh tế tuần hoàn để phát triển đô thị xanh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, chiến lược phát triển đô thị xanh bền vững sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính là phát triển không gian xanh, năng lượng tái tạo và giao thông bền vững. Phát triển không gian xanh là việc cam kết tăng cường diện tích cây xanh trong tất cả các dự án phát triển đô thị mới. Việc tích hợp công viên, hồ cảnh quan và vườn treo sẽ mang đến những không gian mở, tạo điều kiện cho cư dân vừa thư giãn, vừa rèn luyện sức khỏe.
Ngoài ra, việc gia tăng mảng xanh còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu và gia tăng chất lượng không khí trong khu vực. Các dự án mới sẽ áp dụng công nghệ năng lượng mặt trời, gió, và các nguồn năng lượng bền vững khác nhằm giảm thiểu tối đa lượng khí thải carbon, hướng tới một tương lai sinh thái hài hòa giữa phát triển và bảo tồn.
Thúc đẩy việc phát triển các mạng lưới giao thông công cộng, cải thiện hệ thống hạ tầng để hỗ trợ xe đạp và đi bộ, khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông xanh... sẽ giảm thiểu sự phụ thuộc vào phương tiện giao thông cá nhân, hạn chế khí thải và làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông trong đô thị.
Vân Tuyết